Rác “sưởi ấm” 10 triệu cư dân
Nhà máy Tekniska Verken tại thành phố Linköping (Thuỵ Điển) hoạt động 24 giờ hàng ngày với nhiệm vụ thu gom, phân loại và đốt rác thải để tạo ra điện năng. Đây là một trong 34 nhà máy chuyển hoá chất thải thành điện năng tại Thuỵ Điển. Ông Klas Gustafsson – phó chủ tịch công ty cho biết: “Bốn tấn rác có thể sản xuất ra lượng năng lượng tương đương với 01 tấn dầu, hoặc 1,6 tấn than, hoặc 05 tấn gỗ thải”.
Theo Hiệp hội Tái chế và Quản lý Chất thải Thụy Điển, chưa đến 1% rác thải sinh hoạt ở quốc gia này được đưa đến các bãi chôn lấp. Khoảng 49% rác sinh hoạt được tái chế và khoảng 50% rác được đốt trong các nhà máy điện như trên. Nhiệt năng làm quay các tua-bin để tạo ra điện giống như các nhà máy điện thông thường đốt than hoặc khí.
Năng lượng từ rác thải chiếm một phần nhỏ trong tổng nguồn cung cấp điện của Thụy Điển; so thủy điện và năng lượng hạt nhân (khoảng 83%) năng lượng gió (khoảng 7%). Loại năng lượng này được sử dụng chủ yếu để “sưởi ấm” đất nước 10 triệu dân qua các mùa đông lạnh giá. Ước tính, năng lượng từ rác tương đương với nhu cầu sưởi ấm của 1,25 triệu căn hộ và nhu cầu điện cho 680.000 ngôi nhà.
Cùng với sản xuất trong nước, Thụy Điển thậm chí còn nhập khẩu rác từ Na Uy và Anh mỗi năm để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện. Các quốc gia này trả tiền để Thụy Điển chấp nhận rác của họ do chi phí rẻ hơn so với việc chôn lấp.
Về mặt tích cực, nhà máy sản xuất điện từ rác có thể khai thác tới 90% tổng năng lượng sinh ra. Các nhà máy điện thông thường chỉ khai thác được khoảng 40% năng lượng do có các bộ phận tản nhiệt dư thừa. Ví dụ , nhiệt năng sản xuất từ nhà máy Tekniska Verken ở Linköping trực tiếp làm nóng nguồn nước nóng cho các hộ gia đình và làm nóng hệ thống sưởi ấm trung tâm của nhiều toà nhà ở Thuỵ Điển.
Tuy vậy, các nhà máy đốt rác cũng có nhiều hạn chế. Rõ ràng đây không phải là nguồn năng lượng sạch. Các chuyên gia môi trường cảnh báo rằng các nhà máy sản xuất điện từ rác về bản chất không hỗ trợ việc giảm thiểu và tái chế chất thải, tăng cường năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió. Một số người còn cho rằng đây chỉ là một “giải pháp sai lầm”, mang tính ngắn hạn. Bởi lẽ, quá trình đốt rác vốn đã gây ô nhiễm, hơn nữa còn phát thải khí mê-tan cao, một loại khí nhà kính độc hại hơn gấp 72 lần so với khí cacbon.
Ước tính, quy trình đốt rác vẫn để lại khoảng 4% cặn bẩn. Do đó, trong quá trình bảo trì định kỳ máy móc, các kỹ thuật viên phải xử lý và tiêu hủy cặn bẩn này một cách an toàn. Được biết, cặn khí thải từ nhà máy điện của Tekniska Verken được lưu trữ trong một mỏ vôi bỏ hoang ở Na Uy. Một loại cặn khác được gọi là xỉ, bao gồm tàn tích của thủy tinh, sứ, sỏi và các vật liệu khác có thể được sử dụng để phủ các bãi chôn lấp và xây dựng đường giao thông. Các quy trình xử lý rác đều được công khai để người dân nắm rõ, cũng như hiểu được vai trò của mình trong hệ thống xử lý rác thải quốc gia.
Trong giai đoạn 2002 – 2005, Thụy Điển ban hành lệnh cấm đổ chất thải hữu cơ (vd: thực phẩm) và chất thải dễ cháy nổ (vd: giấy, thùng cát-tông) trong các bãi chôn lấp rác thải. Chính sách này ngay lập tức tạo ra sự thay đổi rõ rệt tại nước này. Khoảng năm 1975, trung bình mỗi người dân chỉ tái chế khoảng 18 kg rác thải và gửi 195 kg rác thải tới các bãi chôn lấp; thì đến năm 2016 trung bình mỗi người dân tái chế được 161 kg rác, chỉ gửi 30 kg rác tới các bãi chôn lấp rác thải.
Cùng với việc giảm thiểu các bãi chôn lấp rác thải gây ô nhiễm môi trường, người dân còn nhận thức được và ủng hộ việc sử dụng rác như một nguồn cung cấp năng lượng thay cho nhiên liệu, hoá thạch tự nhiên.
Nhà máy Tekniska Verken ước tính rằng hoạt động đốt rác của họ vào năm 2017 đã giảm thải khoảng 467.000 tấn khí CO2. Ông Owen Gaffney – Giám đốc chiến lược và truyền thông quốc tế tại Trung tâm khả năng chống chịu Stockholm, cho biết: “Quy trình chuyển hoá chất thải thành năng lượng thải ra các-bon ít hơn quy trình đốt than. Giải pháp này cũng khai thác loại tài nguyên rác thải hiệu quả hơn so với việc chỉ vứt chúng vào bãi chôn lấp, nơi chúng sẽ phân hủy và thải ra khí nhà kính”.
Cùng với nhiệt năng và điện năng, nhà máy Tekniska Verken còn xử lý và phân tách khí sinh học mê-tan từ 100.000 tấn thực phẩm và chất thải hữu cơ mỗi năm, biến chúng thành nguồn năng lượng để chạy xe buýt. Được biết, khí sinh học là nguồn nhiên liệu cho hơn 200 chiếc xe buýt trong thành phố Linköping, cũng như các đội xe thu gom rác, một số taxi và xe hơi tư nhân.
Trong quá trình thu gom rác, các nhân viên kĩ thuật phân loại các túi màu xanh lá cây – rác thải hữu cơ và gạt qua một băng chuyền khác để chuyển đến một nhà máy xử lý khí sinh học gần đó. Hầm khí sinh học sẽ tạo ra khí mê-tan cuối cùng được tinh chế, lọc sạch và sau đó phân phối đến các trạm nhiên liệu của Linköping.
Đốt rác không phải là giải pháp tối ưu, nên chính phủ Thụy Điển đang tăng cường tái chế. Quốc gia này đã tái chế khoảng 1,4 triệu tấn chất thải vào năm 2011 và 1,6 triệu tấn vào năm 2015. Quốc gia này cũng đặt mục tiêu 100% sử dụng năng lượng tái tạo từ gió và năng lượng mặt trời vào năm 2040 và không phát thải khí nhà kính vào năm 2045.
Viễn cảnh nào cho Việt Nam?
Xử lý chất thải thành năng lượng cũng phát triển mạnh ở những quốc gia khác như Nhật Bản, Trung Quốc. Đốt rác để lấy năng lượng dường như đặc biệt thiết thực đối với các quốc gia lớn, đang cần phát triển thiếu hệ thống xử lý rác hiện đại, hiệu quả, nhanh chóng.
Ở một nước đang phát triển như Việt Nam, rác thải thường được chở đến các bãi rác trên núi, hoặc vùng trống vắng dân cư. Theo đó, nguy cơ lớn nhất từ việc pha trộn rác thải dễ cháy ở các bãi rác là hoả hoạn. Mặc khác, những bãi rác thường không đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh như thiếu lớp lót bê tông để ngăn chất thải độc hại ngấm vào lòng đất, nguồn nước có thể trở thành nguy cơ ô nhiễm môi trường, đe doạ sức khoẻ người dân.
Một vấn đề khác là công nghệ đốt rác tạo ra nhiệt năng sẽ không quá thiết thực ở một nước nhiệt đới có khí hậu ấm áp như nước ta. Dù vậy, nhiệt năng từ đốt rác có thể được khai thác theo một cách khác, ví như cung cấp nhiệt năng cho ngành công nghiệp sản xuất giấy, nhà máy chế biến thực phẩm, lò gạch, nhà máy xà phòng …. ở gần các lò đốt rác.
Thiết nghĩ, đây không phải là một giải pháp “một sớm một chiều” mà cần xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn đi kèm với chất lượng quản trị và tư duy kinh tế hợp lý. Quan trọng hơn hết, công dân cần được giáo dục về việc xử lý rác thải đúng cách; bởi lẽ nếu công dân không có nhận thức đúng đắn, không biết cách “sử dụng” hệ thống thì đầu tư bao nhiêu cũng có thể trở nên dư thừa.