ĐIỂM TIN: CHUNG KẾT CUỘC THI SÁNG KIẾN “TRẢ XANH CHO BIỂN”
9:07 sáng Tháng Tám 22, 2020

Ngày 05/09, diễn ra chung kết Cuộc thi sáng kiến thanh niên “Trả xanh cho biển” do Ban tổ chức Hội nghị mô phỏng ASEAN toàn quốc (VNMAM) và Quỹ ASEAN tổ chức, nhân dịp kỷ niệm năm Việt Nam giữ vị trí Chủ tịch ASEAN.   

Nhận thấy thanh niên chính là nhân tố quan trọng đóng góp cho bảo vệ môi trường, cuộc thi sáng kiến thanh niên “Trả xanh cho biển” được VNMAM và Quỹ ASEAN tổ chức với mong muốn tạo ra một sân chơi cho thế hệ trẻ thể hiện các giải pháp sáng tạo hướng đến bảo tồn môi trường biển, từ đó kêu gọi sự tham gia của giới trẻ vào các vấn đề chung trong khu vực. Cụ thể, các tác phẩm liên quan đến chủ đề bảo vệ môi trường biển như chống rác thải trên biển, đặc biệt là rác thải nhựa, đánh bắt cá trái phép; bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học biển và thích ứng biến đổi khí hậu,… có thể gửi đến cuộc thi sáng kiến thanh niên “Trả xanh cho biển”.
Thí sinh dự thi có lứa tuổi từ 16-25, đang theo học tại các trường trung học phổ thông, cao đẳng và đại học trên khắp cả nước có mong muốn đóng góp trí tuệ để bảo vệ môi trường biển. Bài dự thi có thể được thể hiện thông qua nhiều hình thức như bài luận với ít nhất 1.000 từ miêu tả về sáng kiến, hình ảnh, video dài không quá 3 phút…Hạn gửi bài sự thi sáng kiến “Trả xanh cho biển” là ngày 23-8. Ban giám khảo sẽ chấm điểm và lựa chọn các sáng kiến tốt nhất đưa vào tham gia vòng chung kết diễn ra vào ngày 05/09 tại Hà Nội. Cuộc thi gồm một giải nhất trị giá 10 triệu đồng, một giải nhì trị giá 5 triệu đồng, một giải ba trị giá 3 triệu đồng và một số giải phụ cùng phần quà hiện vật khác từ nhà tài trợ. Cuộc thi sáng kiến thanh niên “Trả xanh cho biển” là một sự kiện đồng hành cho Hội nghị mô phỏng ASEAN của Quỹ ASEAN, diễn ra từ ngày 4 đến 7-9 tới. Đây là hội nghị mô phỏng ASEAN lớn nhất và uy tín nhất trong khu vực được bắt đầu tổ chức lần đầu vào năm 2015 – theo Phapluatxahoi.

Gần 1 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện sản xuất sạch hơn năm 2020

Baodongnai cho hay: Sở Công thương tỉnh Đồng Nai đang triển khai chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Theo kế hoạch, năm 2020, Sở sẽ dành khoảng 1 tỷ đồng để thực hiện chương trình này. Trong đó, phần lớn kinh phí được dành cho việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức 4 lớp tập huấn về sản xuất sạch hơn; hỗ trợ kỹ thuật và áp dụng sản xuất sạch hơn tại ít nhất 5 cơ sở sản xuất, lập báo cáo đánh giá hiệu quả tại 6 doanh nghiệp, tổ chức triển khai các quy trình và hướng dẫn thực hiện tại 4 doanh nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

Chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh được triển khai từ năm 2010. Sau hơn 10 năm triển khai, thông qua chương trình, hàng ngàn doanh nghiệp đã được tiếp cận với những thông tin, dự án sản xuất sạch hơn và sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, do phần lớn các doanh nghiệp ở quy mô nhỏ và vừa, hoạt động lâu năm nên vẫn sử dụng máy móc, dây chuyền công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, ảnh hưởng môi trường sinh thái. Chương trình sản xuất sạch hơn ra đời nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng rộng rãi các giải pháp sản xuất sạch hơn, để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và đảm bảo phát triển bền vững.

Mỹ: Bang California ban bố tình trạng khẩn cấp do nắng nóng

TTXVN đưa tin: Thống đốc bang California của Mỹ, ông Gavin Newsom, ngày 17/8 đã ký tuyên bố tình trạng khẩn cấp do nắng nóng trong bối cảnh nắng nóng diện rộng vẫn đang hoành hành tại bang này. Thông cáo báo chí từ Văn phòng Thống đốc bang nêu rõ tạm thời cho phép các khách hàng là cá nhân và các tổ chức sử dụng các nguồn năng lượng dự phòng để giảm bớt áp lực cho hệ thống đường dây tải điện vào những khung giờ cao điểm trong giai đoạn tình trạng khẩn cấp về năng lượng. Ngoài ra, giới chức bang cuối tuần qua đã khẩn trương làm việc với các nhà cung cấp năng lượng nhằm bổ sung nguồn cung. Giới chức sở tại lưu ý rằng công suất của hệ thống đường dây tải điện tại bang California chỉ khoảng 4.400 megawatt, không đủ để cung ứng điện một cách liên tục.

Cuối tuần qua, nhà chức trách địa phương cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp về điện ở cấp độ 3 trên toàn California, theo đó bắt đầu tiến hành cắt điện luân phiên toàn bang lần đầu tiên kể từ năm 2001. Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế tình trạng mất điện vào giai đoạn nắng nóng hiện nay, nhà vận hành hệ thống cung ứng điện độc lập bang California đã ban bố cảnh báo trên toàn bang, kêu gọi người dân tiết kiệm điện trong khung giờ 15-22 giờ mỗi ngày kể từ 16-19/8. Giới chức sở tại cũng hối thúc cư dân bang California tắt các thiết bị điện không cần thiết và đặt chế độ tiết kiệm năng lượng đối các thiết bị gia dụng. Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Mỹ ngày 15/7 vừa qua đã ban bố cảnh báo nắng nóng cực đoan. Cảnh báo này có hiệu lực tới ngày 19/8 đối với hầu hết các khu vực ở miền Nam bang California. Nhiệt độ đo được tại thung lũng Death Valley – nằm giữa hai bang California và Nevada – ngày 16/7 là 54,4 độ C. Đây là mức nhiệt cao chưa từng thấy ở khu vực này kể từ năm 1913.

Đến năm 2025 sẽ có 30 quốc gia rơi vào tình trạng khan hiếm nước

Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2025 sẽ có 30 quốc gia rơi vào tình trạng khan hiếm nước. Dân số bùng nổ, nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cũng đồng nghĩa với việc nước ngọt tiếp tục suy giảm. Trong suốt thế kỷ 20, hơn một nửa các vùng đất ngập nước trên thế giới đã bị biến mất. Các hệ sinh thái nước ngọt mang đậm tính đa dạng sinh học hiện đang suy giảm nhanh hơn các hệ sinh thái biển và đất liền. Theo đánh giá của nhiều cơ quan nghiên cứu về tài nguyên nước, hiện tại có khoảng 1/3 số quốc gia trên thế giới bị thiếu nước và đến năm 2025 con số này sẽ là 2/3 với khoảng 35% dân số thế giới sẽ rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về môi trường tại Johannesburg (Nam Phi), nước được xếp ở vị trí cao nhất trong 5 ưu tiên để phát triển bền vững, đó là: Nước; năng lượng; sức khỏe; nông nghiệp và đa dạng sinh học. Nghiên cứu của UNICEF và WHO cho thấy từ năm 2000 đến nay, có khoảng 1,8 tỷ người đã được tiếp cận với nước uống bảo đảm tiêu chuẩn an toàn. Thế nhưng vẫn còn một số lượng lớn người dân trên khắp thế giới chưa được tiếp cận với nguồn nước uống bảo đảm chất lượng và sẵn có. Ước tính, khoảng 785 triệu người, tương đương 1/10 dân số thế giới, vẫn thiếu các dịch vụ cơ bản, trong đó có 114 triệu người vẫn phải uống nước không sạch.

Mỹ cho phép giết hơn 700 con sư tử biển để giải cứu cá hồi

Zingnews cho biết: Nhà chức trách Mỹ đã cho phép các nhà quản lý động vật hoang dã ở Washington, Oregon và Idaho giết hàng trăm con sư tử biển ở lưu vực sông Columbia để bảo vệ cá hồi và cá hồi vân. Từ lâu, các loài động vật biển có vú đã phát hiện ra rằng chúng có thể săn cá di cư ở những nơi cá bị dồn lại tại các con đập hoặc nơi chúng đi lên các nhánh sông để đẻ trứng. Shaun Clements, nhà phân tích chính sách cấp cao của Cục cá và động vật hoang dã Oregon nói với Guardian: “Đây là những nơi mà cá thực sự dễ bị tổn thương. Chúng tôi phải xử lý để cá có thể vượt qua và đẻ trứng”. Giấy phép mới cho phép các bang và một số bộ lạc người Mỹ bản địa giết 540 con sư tử biển California và 176 con sư tử biển Steller trong vòng 5 năm tới dọc theo đoạn sông Columbia dài 290 km và ở một số phụ lưu. Đây là lần đầu tiên họ được phép giết những con sư tử biển Steller.

Quần thể sư tử biển khỏe mạnh đã đặt ra bài toán hóc búa từ lâu cho các quan chức bảo vệ động vật hoang dã. Cá hồi sông Columbia là nguồn thực phẩm chính cho quần thể cá voi sát thủ có nguy cơ tuyệt chủng ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Các nhà khoa học nói rằng quần thể cá voi sát thủ này có nguy cơ tuyệt chủng nếu chúng không có thêm thức ăn. Trong vài thập kỷ qua, các nhà chức trách đã thử tất cả biện pháp ít tàn nhẫn hơn để ngăn chặn sư tử biển như bẫy, đạn cao su và chất nổ nhưng đều vô ích. Sư tử biển sẽ quay lại vài ngày sau khi bị chuyển đi nơi khác cách đó hàng trăm km. Các nhà chức trách đã bắt đầu giết một số con sư tử biển California tại đập Bonneville trên sông Columbia khoảng 13 năm trước. Khoảng 238 con sư tử biển đã bị giết ở đó. Năm ngoái, quan chức Oregon đã giết 33 con sư tử biển đang ăn cá hồi vân trên sông Willamette. Các nhà khoa học ước tính rằng những con vật này đã ăn khoảng 1/4 số cá quay lại đó. Sau đó, họ nói số cá ngược dòng đẻ trứng bắt đầu tăng trở lại.